Mã hóa đơn:
Địa chỉ E-mail:
Nhập
 chữ vào khung bên dưới. Nếu hình không thấy rõ, xin vui lòng nhấn vào hình để đổi hình khác.
 
 
Rỗng Xương – Bổ Xương
Rỗng Xương – Bổ Xương
Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung

Bệnh xương mất dần đi chất vôi (calcium), nôm na thường được gọi là chứng rỗng xương (còn được gọi là loãng xương, xốp xương hay thưa xương/osteoporosis). Chứng rỗng xương xảy ra như bộ xương của cơ thể chúng ta qua thời gian trở nên lỗ chỗ, mỏng manh đi và dễ bị gẫy. Chứng rỗng xương ảnh hưởng đến trên 10 triệu người Mỹ. Thông thường khối lượng của xương (bone mass) giảm dần sau tuổi 40 cho cả phái nam và nữ (khoảng 2% mỗi năm), nhưng phụ nữ có nhiều nguy cơ bị rỗng xương hơn vì mật độ của xương đã sẵn thấp ở trước tuổi 40. Thành thử chứng rỗng xương trung bình ảnh hưởng đến 1/8 tổng số nam giới và 1/4 tổng số nữ giới (nghĩa là cứ 4 phụ nữ thì có một người bị chứng rỗng xương, gấp đôi nam giới).

Bộ xương chiếm khoảng 15-17% trọng lượng cơ thể. Cấu tạo của bộ xương gồm 2 phần chính là các chất hữu cơ (organic) và các khoáng chất (minerals). Các chất hữu cơ chiếm 30% trọng lượng của bộ xương, tạo nên một khung chất đạm (protein) cho các khoáng chất bám vào. Các khoáng chất chiếm 70% trọng lượng của bộ xương, quan trọng nhất là calcium, phosphorus và magnesium. Cấu tạo xương được đều hòa chính yếu bởi 2 loại tế bào chính: các tế bào tạo xương (osteoblast) và các tế bào hủy xương (osteoclast). Thành thử trong xương lúc nào cũng có tiến trình phá xương cũ và tạo xương mới. Ở tuổi trẻ (dưới 25 tuổi), khi cơ thể đang phát triển, hoạt động của tế bào tạo xương sẽ trội hơn hoạt động của các tế bào hủy xương, khối lượng khoáng chất của bộ xương tăng dần cùng sự phát triển của cơ thể để đạt tới mức trưởng thành cao độ. Ở khoảng tuổi 25-40 hoạt động của các tế bào tạo xương và các tế bào hủy xương cân bằng giữ cho khối lượng của bộ xương được ổn định. Ðây cũng chính là giai đoạn bộ xương có khối lượng khoáng chất cao nhất (optimal peak bone mineral density). Từ tuổi 40 trở đi hoạt động của các tế bào hủy xương sẽ trội hơn hoạt động của các tế bào tạo xương , khối lượng khoáng chất của bộ xương sẽ giảm dần theo tuổi tác với tốc độ mất xương có thể lên tới 2% mỗi năm. Riêng ở phụ nữ sau khi mãn kinh (postmenopause), tốc độ mất xương sẽ nhanh hơn hẳn nam giới cùng tuổi. Trong 10-15 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương là 2-4% khối lượng xương mỗi năm.

Rỗng xương là căn bệnh có một quá trình lâu dài do nhiều yếu tố gây nên như:

  1. Phụ nữ sau khi mãn kinh, họat động của buồng trứng ngưng lại, vì không có estrogen nên các tế bào hủy xương tăng hoạt động (estrogen có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương). Khối lượng xương sẽ mất đi từ 2-4% mỗi năm trong suốt 10 đến 15 năm đầu sau khi mãn kinh. Khối lượng xương của đa số phụ nữ 65 tuổi giảm từ 30 đến 50%, có người chỉ còn không tới 30% khối luợng xương. Thành thử, ở phụ nữ tuổi từ 65 trở lên thường gặp các biến chứng nặng của bệnh rỗng xương như gẫy xẹp đốt xương sống (compression fracture), gẫy cổ xương đùi (hip fracture), gẫy xương cổ tay (wrist fracture)… hơn hẳn nam giới cùng tuổi. Nhiều phụ nữ cứ nghĩ là sau khi mãn kinh thì mới quan tâm và để ý tới việc chữa trị chứng rỗng xương, nhưng bằng chứng mới đây cho biết là chứng rỗng xương xẩy ra sớm hơn chứ không phải chỉ xẩy ra sau thời kỳ mãn kinh.
  2. Do sử dụng một số thuốc: thuốc chống động kinh, thuốc chữa bệnh tiểu đường, thuốc chống máu đông và đặc biệt là các thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid (corticosteroid một mặt ức chế trực tiếp quá trình tạo xương, mặt khác làm giảm hấp thụ calcium ở ruột, tăng bài tiết calcium ở thận và làm tăng quá trình hủy xương).
  3. Bị các bệnh nội tiết: cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, cường tuyến vỏ thượng thận, tiểu đường…. và đặc biệt là suy giảm chức năng của các tuyến sinh dục (buồng trứng phụ nữ và tinh hoàn đàn ông).
  4. Bị bệnh suy thận mãn tính hoặc phải lọc thận lâu ngày gây mất nhiều calcium.
  5. Di truyền: những ai có ông bà cha mẹ đã từng bị chứng rỗng xương bất thường.
  6. Dân da trắng và dân Á châu dễ mắc chứng rỗng xương hơn cả.
  7. Những người có bộ xương mỏng và nhỏ.
  8. Cà phê, rượu, thuốc lá quá độ làm mất cân bằng lượng calcium (cơ thể mất calcium nhiều hơn là hấp thụ calcium).
  9. Chế độ ăn uống nhiều thịt, nhiều muối, nhiều đường làm bài tiết calcium ra khỏi cơ thể qua đường tiểu.
  10. Dùng thường xuyên các loại nước ngọt (soft drinks như Coca-Cola hay Pepsi…) vì trong những loại nước ngọt này chứa nhiều chất phosphate làm mất quân bình lượng calcium trong máu, tức là lượng calcium trong máu bị giảm, từ đó cơ thể tự động rút calcium từ trong xương ra để xử dụng. Ðiều này giải thích tại sao các trẻ em uống nước ngọt thường xuyên dễ có nguy cơ bị gẫy xương hơn bình thường.
  11. Lối sống ít năng hoạt động, thiếu vận động thể dục… vì khi bất động lâu ngày các tế bào hủy xương tăng hoạt tính.
  12. Chế độ ăn uống thiếu calcium, khoáng chất và vitamin D cần thiết cho độ đặc của xương.

Biểu hiện của bệnh rỗng xương lúc ban đầu không làm cho người bệnh khó chịu lắm vì bệnh diễn biến thầm lặng, không có dấu hiệu nào rõ ràng, rất mơ hồ, có chăng chỉ là một vài triệu chứng đau nhức mỏi không cố định, có khi ở xương sống lưng, thỉnh thoảng ở dọc các xương dài của tứ chi, rồi ở các đầu xương… Càng về sau, khi khối lượng khoáng chất bị mất ngày càng nhiều, các triệu chứng đau nhức nêu trên sẽ rõ ràng dần lên, tập trung nhiều hơn ở các vùng xương chịu sức nặng của cơ thể như khớp xương hông, khớp đầu gối và xương sống ngang thắt lưng. Rỗng xương rất thường đi kèm với bệnh thoái hóa khớp xương, cũng là bệnh thường gặp ở người có tuổi. Tình trạng rỗng xương sẽ làm quá trình thoái hóa khớp nặng hơn, và vì các khớp thoái hóa bị đau làm người bệnh ù lì, ít vận động cũng làm bệnh rỗng xương trở nên nặng thêm.

Không những ăn uống thiếu calcium sẽ đưa tới chứng rỗng xương mà thiếu calcium còn dẫn tới những triệu chứng khác nữa như: chuột rút (vọp bẻ), hay hồi hộp lo sợ, cao mỡ (cholesterol) trong máu, mất ngủ, tê chân. Thành thử nếu có những triệu chứng nêu trên thì nên xem xét coi trong máu có thiếu calcium hay không để kịp thời bồi bổ cho đúng mức hầu tránh nguy cơ bị rỗng xương.
Một trong những yếu tố cần thiết để tránh và chữa chứng rỗng xương là ăn uống phải đầy đủ chất calcium. Những người dưới 50 tuổi cần dùng 1000 mg calcium mỗi ngày, người trên 50 tuổi cần dùng 1200 mg mỗi ngày.

 


DR. PHẠM HOÀNG TRUNG
9822 Bolsa Ave. Suite E – Westminster, CA 92683 – USA