Mã hóa đơn:
Địa chỉ E-mail:
Nhập
 chữ vào khung bên dưới. Nếu hình không thấy rõ, xin vui lòng nhấn vào hình để đổi hình khác.
 
 
Suy Thận
Suy Thận
Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung



Thận là hai cơ quan có hình dạng như hạt đậu trắng và có kích thước nhỏ cỡ một nắm tay, nằm ở hai bên cột sống ngay phía dưới xương sườn thấp nhất. Mỗi trái thận nặng khoảng ¼ pound (khoảng 110 gram) và chứa khoảng 1 triệu đơn vị lọc máu gọi là cầu thận. Thận có thể thanh lọc được khoảng 200 lít máu mỗi ngày và tạo ra khoảng 2 lít nước tiểu. Chức năng chính của thận là lọc các chất cặn bã không cần thiết và lượng nước thừa từ máu để tạo ra nước tiểu và đồng thời giữ lại trong máu những chất bổ dưỡng. Nhờ thận mà chúng ta có thể ăn được nhiều loại thức ăn, uống được nhiều thuốc men mà không gây độc hại cho cơ thể vì thận lọc được những chất cặn bã độc hại từ thức ăn, thuốc men qua nước tiểu để những chất cặn bã nầy không thể tích tụ trong người đến một nồng độ có thể gây nguy hại cho cơ thể. Thận cũng có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ của nhiều loại khoáng chất như : calcium, sodium ( chất muối) và potassium hiện diện trong máu. Thận còn giúp điều hoà huyết áp và tiết ra những nội tiết tố (hormone) tham gia vào việc sản xuất ra hồng huyết cầu.

Suy thận có nghĩa là khi thận mất một phần hoặc hoàn toàn khả năng gạn lọc nước dư thừa và những chất cặn bã ra khỏi máu. Các chất cặn bã độc hại lúc bình thường được loại bỏ ra khỏi cơ thể, nhưng khi suy thận bị tích tụ lại, từ đó có khả năng gây nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài ra, suy thận còn có thể dẫn đến một số bệnh lý khác như thiếu máu, cao huyết áp, toan hoá máu (mức độ acid tăng cao trong dịch của cơ thể), rối loạn mỡ trong máu và bệnh về xương do thận giảm sản xuất các nội tiết tố. Suy thận có thể được phân biệt là suy thận cấp tính hoặc suy thận mãn tính (kinh niên).


phamhoangtrung-doctor-suythan2phamhoangtrung-doctor-than


Suy thận cấp tính thường tiến triển nhanh chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Suy thận cấp tính không gây tổn thương vĩnh viễn. Nếu được điều trị kịp thời và đúng nguyên nhân thì thận sẽ được phục hồi hoàn toàn.

Ở một số trường hợp, suy thận cấp tính nếu không được chữa trị kịp thời và đúng mức có thể tiến triển thành bệnh suy thận mãn tính. Còn suy thận mãn tính xẩy ra khi bệnh nhân bị mất chức năng thận dần dần và thường là vĩnh viễn. Quá trình này diễn tiến từ từ, thường từ vài tháng đến vài năm. Bệnh thận mãn tính được chia thành 5 độ, từ nhẹ đến nặng. Suy thận mãn tính giai đoạn 5 tức là bệnh thận mãn tính ở giai đoạn cuối, khi đó gần như hoàn toàn hoặc hoàn toàn thận bị mất chức năng lọc máu và bệnh nhân cần phải chạy thận nhân tạo (đi lọc thận, lọc máu) hoặc thay thận thì mới có thể sống được.

Chức năng của thận được đo bằng chỉ số GFR (Glomerular Filtration Rate), tức là độ lọc của cầu thận. Chỉ số GFR trung bình là phải trên 60 thì tốt. Nếu thấp hơn 60 là thận chúng ta có vấn đề. Suy thận mãn tính tới giai đoạn 5 là giai đoạn cuối của bệnh suy thận thì chỉ số GFR (chỉ số độ lọc cầu thận) chỉ còn dưới 15 (thay vì trên 60 mới là bình thường). Tới nước này thì bệnh nhân thường phải đi lọc thận.

Ngoài ra chức năng thận cũng được thẩm định qua số lượng chất creatinine là một chất cặn bã có trong máu. Nếu thận tốt, lọc máu bình thường thì chất creatinine này là 1.2. Chất creatinine sẽ từ từ tăng cao (hơn 1.2) trong máu khi bệnh nhân bắt đầu bị suy thận.

TRIỆU CHỨNG:

Vì thận đảm nhiệm nhiều chức năng trong cơ thể nên bệnh thận có thể ảnh hưởng đến cơ thể bằng rất nhiều hình thức khác nhau. Triệu chứng biến đổi đa dạng và nhiều cơ quan bị ảnh hưởng. Đặc biệt là hầu hết bệnh nhân đều không bị giảm lượng nước tiểu, ngay cả khi bệnh thận mãn tính tiến triển tới thời kỳ nặng.

Thận là môt cơ quan xuất sắc về khả năng làm việc bền bỉ và dẻo dai. Bởi vậy bệnh thận mãn tính có thể tiến triển một cách âm thầm mà không có triệu chứng gì trong một thời gian dài cho tới khi chức năng hoạt động của thận chỉ còn ở mức tối thiểu, tới lúc đó bệnh nhân sẽ có những triệu chứng sau đây:

– Cảm thấy mắc tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào buổi tối.
– Sưng chân và nhận thấy có bọng nước xung quanh mắt vì cơ thể bị giữ nước.
– Bị cao máu
– Mệt mỏi, yếu đuối (do tình trạng thiếu máu hoặc do tích tụ nhiều chất cặn bã trong cơ thể không được thận lọc ra).
– Ăn không thấy ngon miệng, buồn nôn, ói mửa.
– Da ngứa ngáy, dễ bị bầm và màu da thấy tai tái (vì thiếu máu).
– Khó thở do tích tụ nước trong phổi.
– Nhức đầu, tê chân hoặc tê tay (bệnh thần kinh ngoại biên), ngủ không ngon giấc, thay đổi tính tình (do não tích tụ nhiều chất cặn bã và urea độc hại) và triệu chứng động đậy chân, nhất là trong lúc ngủ vì chân có cảm giác buồn buồn, phải cựa quậy thường xuyên mới thấy dễ chịu (restless legs syndrome).
– Đau ngực do viêm màng bọc tim.
– Dễ bị chảy máu vì máu chảy không cầm được (do khó đông máu).
– Đau xương và dễ gẫy xương.
– Giảm ham muốn tình dục và yếu sinh lý.

NGUYÊN NHÂN:

Mặc dù bệnh thận mãn tính đôi khi là do kết quả của những bệnh phát xuất từ chính ngay quả thận, nhưng nguyên nhân chính dẫn tới suy thận vẫn là do bệnh nhân đã bị qua bệnh tiểu đường và cao máu.

– Bệnh tiểu đường loại 1 và loại 2 gây ra tình trạng được gọi là bệnh thận do tiểu đường (diabetic nephropathy) là nguyên nhân gây bệnh thận đứng hàng đầu tại Mỹ.
– Bệnh cao huyết áp, nếu không được kiểm soát kỹ, có thể gây tổn thương cho thận qua một thời gian dài.
– Viêm cầu thận (Glomerulonephritis) là tình trạng viêm và tổn thương hệ thống lọc của thận và có thể gây ra suy thận. Tình trạng hậu nhiễm trùng và bệnh lupus là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận.
– Bệnh thận đa nang (polycystic kidney disease) là một thí dụ về một nguyên nhân di truyền gây ra bệnh thận mãn tính; trong trường hợp này cả hai thận đều có nhiều nang (túi nước).
– Những thuốc giảm đau như Acetaminophen (Tylenol) và Ibuprofen (Motrin, Advil) nếu uống thường xuyên trong một thời gian dài có thể gây tổn thương cho thận. Một số những loại thuốc khác cũng có thể làm hại thận.
– Bệnh tắc nghẽn và xơ cứng những động mạch dẫn tới thận có thể gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cho các vi cầu thận và từ đó cũng là nguyên nhân làm tiến triển sự tổn thương cho thận.
– Cản trở dòng chảy của nước tiểu do sạn ở đường tiểu, do sưng nhiếp hộ tuyến, do đường tiểu bị nhỏ hẹp lại hoặc do bướu ung thư ở đường tiểu cũng có thể gây bệnh cho thận.
– Những nguyên nhân khác gây ra bệnh thận mãn tính gồm có bị nhiễm HIV, bệnh hồng cầu hình liềm (sickle cell disease), nghiện heroin, bệnh tạo keo (amyloidosis), bệnh sạn thận, nhiễm trùng thận mãn tính và một số bệnh ung thư.

Bởi vậy, quí vị cần phải đi khám chức năng thận thường xuyên hơn nếu quí vị đang mắc phải những chứng bệnh sau đây vì những bệnh này có nhiều nguy cơ phát triển thành bệnh thận mãn tính.

* Bệnh tiểu đường

Vì lượng đường tăng cao trong máu lâu ngày sẽ làm tổn hại đến hàng triệu đơn vị lọc máu (cầu thận) của trái thận, điều này dẫn đến suy thận.
Đường tăng cao trong máu của bệnh nhân bệnh tiểu đường cũng làm nhỏ hẹp lại những mạch máu đi vào thận. Điều này làm máu không tới nuôi được thận dẫn tới suy thận.

* Bệnh cao máu

Bệnh cao máu lâu ngày dễ có nguy cơ bị sơ cứng động mạch. Sơ cứng động mạch đi vào thận làm máu không tới nuôi được thận sẽ dẫn tới suy thận.

* Bệnh cao mỡ trong máu

Cao mỡ trong máu sẽ làm đường kính động mạch bị nhỏ hẹp lại do nguyên nhân mỡ tạo thành những mảng (plaque) bám vào vách bên trong động mạch; nếu trường hợp này xẩy ra ở động mạch thận thì máu sẽ bị cản trở không dẫn được đầy đủ vào nuôi thận sẽ làm suy thận.

* Bệnh tim

Như bệnh nghẽn động mạch vành tim làm tim bơm máu yếu, không đủ sức đẩy máu tới nuôi cầu thận, dễ đưa tới suy thận.

* Bệnh thận

Như viêm cầu thận hoặc nhiễm trùng thận lâu ngày cũng dễ đưa tới suy thận.

* Bệnh tạo keo (amyloidosis)

Bệnh này do trong người tạo ra những chất đạm dị thường đóng nhiều ở thận làm thận bị tổn thương, từ đó dẫn tới suy thận.

* Bệnh hồng cầu hình liềm (sickle cell anemia)

Bệnh này do hồng huyết cầu có hình liềm làm thiếu máu vào nuôi thận dẫn tới suy thận.

* Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống (systemic lupus erythematosus)

Bệnh này do rối loạn hệ thống miễn nhiễm (autoimmune disease) nên sức đề kháng của cơ thể tự tấn công vào các tế bào thận làm viêm thận, cuối cùng đưa tới suy thận.

*Bệnh về mạch máu như viêm mạch máu và bệnh loạn sản cơ (fibromuscular dysplasia)

Những bệnh này làm nhỏ hẹp mạch máu, trong đó có mạch máu dẫn tới thận làm thận không đủ máu để nuôi dưỡng tế bào thận, từ đó dẫn tới suy thận.

* Trào ngược bàng quang niệu quản (vesicoureteral reflux)

Trong bệnh này nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên thận, làm cho thận dễ bị nhiễm trùng; để lâu ngày không chữa sẽ đưa tới suy thận.

* Những bệnh đau nhức đòi hỏi phải uống thuốc kháng viêm thường xuyên

Vì những thuốc kháng viêm khi uống thường xuyên sẽ làm co thắt lại những mạch máu đi vào cầu thận, từ đó làm giảm độ lọc của cầu thận, đưa tới suy thận.

* Những người có yếu tố di truyền về bệnh thận

Trong gia đình có người đã bị bệnh thận thì mình do di truyền cũng có nguy cơ bị bệnh thận.

* Bệnh gan

Bệnh gan nặng như chai gan làm co thắt những mạch máu đi vào thận, từ đó máu vào không đủ để nuôi dưỡng thận, làm suy thận (hepatorenal syndrome- hội chứng gan thận).

Thật sự gan và thận có một sự liên hệ tương quan với nhau vì gan và thận là 2 cơ quan thiết yếu trong cơ thể để lọc máu. Nhiệm vụ của gan là lọc những chất độc hại từ ngoài đưa vào cơ thể; những chất độc hại này có thể có trong thức ăn, thuốc men… đi vào từ đường tiêu hóa, những chất độc hại này có thể từ không khí ô nhiễm khi chúng ta hít thở vào người, và từ va chạm những hoá chất độc hại qua da đi vào máu. Nói chung là gan phải có nhiệm vụ ngăn chặn, thanh lọc và vô hiệu hoá những chất độc hại đi vào máu mà có nguy cơ gây dị ứng bất lợi cho cơ thể như nổi sần, nổi ngứa, nổi mề đay, nổi mụn, v.v… Còn thận như tôi nói ở trên là có nhiệm vụ gạn lọc những chất cặn bã độc hại ra khỏi máu.

Thành ra có một giả thuyết cho rằng nếu bệnh gan nặng như chai gan thì gan không đủ sức lọc những chất độc hại có trong máu thì lúc đó thận phải làm việc cật lực để lọc những chất độc hại mà đáng lẽ gan có nhiệm vụ phải gạn lọc. Điều này gây cho thận bị làm việc quá tải, lâu ngày sẽ dẫn đến yếu thận rồi suy thận.
 

 


DR. PHẠM HOÀNG TRUNG
9822 Bolsa Ave. Suite E – Westminster, CA 92683 – USA