Mã hóa đơn:
Địa chỉ E-mail:
Nhập
 chữ vào khung bên dưới. Nếu hình không thấy rõ, xin vui lòng nhấn vào hình để đổi hình khác.
 
 
Bệnh Về Gan
Bệnh Về Gan
Bác Sĩ Phạm Hoàng Trung

Những bệnh chính về gan (liver diseases) gồm có: yếu gan, viêm gan, sơ cứng gan (chai gan) và ung thư gan. Nếu bị yếu gan, khi dùng những thức ăn như thịt bò, đồ biển (tôm, cua, cá…) sẽ dễ bị ngứa hoặc nổi mề đay. Có khi ăn những đồ ăn nóng như tiêu ớt sẽ dễ bị nổi mụn. Ði thử nghiệm máu sẽ thấy những chỉ số enzymes về gan như ALT(SGPT), AST(SGOT) có thể tăng hoặc vẫn ở trong mức độ bình thường. Một trong những chức năng chính của gan là lọc máu, khử độc với tiến trình như sau: những thức ăn khi vào trong ruột sẽ được hấp thụ thẩm thấu qua màng ruột, từ đó những chất dinh dưỡng này sẽ được đi qua gan để gan lọc hoặc vô hiệu hóa những vi trùng, những chất độc hại hoặc những chất dễ làm cho cơ thể bị phản ứng, trước khi được đưa vào máu để máu mang những chất dinh dưỡng được gạn lọc bởi gan vào nuôi các tế bào trong các cơ quan. Nếu gan bị yếu không gạn lọc đúng mức những chất trong thức ăn dễ gây phản ứng cho cơ thể, thì những chất này khi đi vào trong máu sẽ làm cho da dễ bị ngứa, bị nổi mề đay, nổi mụn hoặc đôi khi bị lở miệng. Có khi gan bị yếu, không lọc được những chuyển đổi phức tạp của kích thích tố trong người sẽ làm cho da dễ bị nám.

Còn bệnh viêm gan (hepatitis) có thể do nguyên nhân uống thường xuyên những loại thuốc có hại cho gan, sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhưng hiện nay phần lớn bệnh viêm gan bị nhiễm là do các con vi khuẩn (virus) xâm nhập cơ thể. Có 3 loại vi khuẩn viêm gan chính: loại A, loại B và loại C.

Con A truyền từ người này sang người kia qua đường thức ăn có chứa vi khuẩn viêm gan A. Còn con B và con C có trong máu của người bệnh, trong nước miếng, trong chất tiết âm đạo phụ nữ và trong tinh dịch (semen) của đàn ông bị bệnh. Con B lây truyền qua đường kim chích hay truyền máu, giao hợp, mẹ truyền cho con lúc sanh nở. Con B còn xâm nhập vào người qua những chỗ da bị rách, trầy xát. Ðường lây chuyền chính của con C là qua máu, như dùng kim chích chung hoặc được sang máu trước năm 1992 (vì trước năm 1992 người ta chưa biết nhiều về con C nên không biết loại bỏ những bịch máu bị nhiễm con C như ngày nay).

Nếu nhiễm phải viêm gan loại A, chúng ta chỉ bị có một lần, sau đó sẽ khỏi hẳn vì cơ thể chúng ta sẽ tạo nên những kháng thể để chống lại vi khuẩn loại A và diệt những vi khuẩn này ra khỏi gan. Chúng ta chỉ ngại nhất bị viêm gan loại B hoặc loại C vì 2 loại vi khuẩn này có tiềm lực tàn phá gan trong thời gian dài (viêm gan kinh niên). Loại vi khuẩn C nguy hiểm hơn loại B, vì trong 70-80% các trường hợp bệnh, loại C một khi đã xâm nhập vào cơ thể chúng ta, chúng không chịu ra, cứ ở lì, và tiếp tục tấn công lá gan, còn loại B chỉ ở lì trong 5-10% các trường hợp bệnh. Nếu vi khuẩn ở lì trong gan quá 6 tháng sau khi xâm nhập cơ thể thì coi như chúng ta bị viêm gan kinh niên (chronic hepatitis).

Khoảng 5-10% những người bị viêm gan B kinh niên và khoảng 20% những người bị viêm gan C kinh niên thì bệnh gan sẽ tiếp tục tiến triển từ từ đưa đến bệnh xơ cứng gan (cirrhosis), tức là các mô gan dần dần bị thay thế bởi các mô sợi trong vòng từ 10 tới 20 năm sau khi bị nhiễm vi khuẩn viêm gan. Khi đã bị sơ cứng gan thì nguy cơ bị ung thư gan (hepatocellular cancer) rất cao. Ung thư gan do nguyên nhân đã bị qua sơ cứng gan lên tới 75-95% trong các trường hợp bị ung thư gan do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trung bình người ta chỉ sống được khoảng 6 tháng sau khi triệu chứng ung thư gan khởi phát. Mặc dầu viêm gan C nguy hiểm hơn (dễ bị viêm gan kinh niên và ung thư gan) nhưng số người bị viêm gan C rất ít so với viêm gan B, nên trong tổng số những người bị ung thư gan do những nguyên nhân khác nhau thì ung thư gan do nguyên nhân bị viêm gan B vẫn đứng hàng đầu.

Theo những cuộc thăm dò và nghiên cứu thì người Việt Nam tại Mỹ và hải ngoại bị viêm gan có thể lên tới khoảng 30-40%, phần đông là bị viêm gan B. Con số người bị viêm gan ở tại Việt Nam có thể còn cao hơn vì vấn đề thiếu vệ sinh và kiến thức về y tế chưa được phổ biến rộng rãi. Xin nói sơ qua về những loại vi khuẩn viêm gan hiếm thấy khác như là D, E và G. Vi khuẩn viêm gan D chỉ tồn tại và sinh sản được trong người nếu đã có sự hiện diện của vi khuẩn viêm gan B, có nghĩa là nếu tìm thấy vi khuẩn viêm gan D thì chắc chắn phải có viêm gan B trong người. Tuy vậy nếu bệnh nhân đã bị viêm gan B, sau đó bị nhiễm thêm viêm gan D thì bệnh viêm gan sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn. Còn viêm gan E cũng giống như viêm gan A, nên cũng không phải quan tâm cho lắm. Cuối cùng là loại viêm gan G: loại vi khuẩn viêm gan G thường tìm thấy đi cặp với các loại viêm gan A, B và C. Nhưng sự đi cặp của viêm gan G này không làm tăng sự trầm trọng của các loại viêm gan khác. Thành thử vi khuẩn viêm gan G cũng không đáng lo ngại.

Khi bị viêm gan nếu thử máu mà thấy những enzymes về gan như AST (SGOT), ALT (SGPT) bị tăng trong máu, đó là dấu hiệu cho biết là những tế bào gan đang bị hủy hoại. Ðồng thời trong máu cũng thấy sự xuất hiện những kháng nguyên và kháng thể của từng loại vi khuẩn, tùy theo chúng ta bị nhiễm loại B hoặc loại C (kháng nguyên là những chất được tiết ra bởi vi khuẩn hoặc vi trùng để làm hại cơ thể, kháng thể là những phân tử được sinh ra bởi hệ thống miễn nhiễm của cơ thể để chống lại những kháng nguyên của vi khuẩn hoặc vi trùng).

Bệnh viêm gan dễ phát triển sang những giai đoạn nặng hơn nếu kèm theo những yếu tố bất lợi như uống rượu, dùng những loại thuốc có phản ứng phụ có hại cho gan, hệ thống miễn nhiễm bị yếu kém (hệ thống miễn nhiễm là hệ thống phòng thủ trong cơ thể để chống lại vi khuẩn, vi trùng hay những vật lạ xâm nhập cơ thể).

Lá gan thường có sức chịu đựng rất cao trong những trường hợp bị tấn công đánh phá của vi khuẩn, vì gan có khả năng tái tạo những chỗ bị thương do vi khuẩn tác hại. Nhưng nếu những cuộc đánh phá của vi khuẩn cứ tiếp tục như trong bệnh viêm gan kinh niên, cộng thêm những yếu tố bất lợi như vừa kể trên thì tế bào gan sẽ không đủ sức để tái tạo những thương tổn do vi khuẩn gây ra. Vì vậy những tế bào gan bị hủy diệt này sẽ để lại những vết sẹo ở trong gan, từ đó dẫn tới việc bị sơ cứng gan.

Thành thử nếu chúng ta bị viêm gan, ngoài việc kiêng cử rượu bia và không nên uống trường kỳ những loại thuốc có hại cho gan, chúng ta phải làm sao tăng cường sức mạnh của hệ thống miễn nhiễm để chống lại những vi khuẩn làm tác hại đến lá gan và đồng thời phải bồi bổ cho những tế bào gan để nâng cao khả năng tái tạo lại những chỗ bị thương trong lá gan do vi khuẩn gây ra.

 

Ghi chú thêm:

* Nếu bị viêm gan (B hoặc C) khi đi thử máu về gan thì xin Bác sĩ cho thử những thứ sau đây:

  • AST (SGOT), ALT (SGPT) (Ðây là những enzymes của gan, chỉ số trung bình thường là phải dưới 45)
  1. Nếu bị viêm gan B, thì thử thêm:
    • Hepatitis B virus Antibodies (kháng thể viêm gan B)
    • Hepatitis B surface Antigen (kháng nguyên bề mặt viêm gan B)
    • Hepatitis B virus DNA (số lượng vi khuẩn viêm gan B có trong máu)
  2. Nếu bị viêm gan C, thì thử thêm:
    • Hepatitis C virus Antibodies (kháng thể viêm gan C)
    • Hepatitis C virus RNA (số lượng vi khuẩn viêm gan C có trong máu)

 


DR. PHẠM HOÀNG TRUNG
9822 Bolsa Ave. Suite E – Westminster, CA 92683 – USA